Nghề truyền thống nước mắm có một ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nghề làm nước mắm không chỉ nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn góp phần thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Cách đây 5 năm, Nghề làm nước mắm Nam Ô chính thức được Nhà nước công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2974/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hội làng nghề nước mắm Nam Ô hiện nay có 71 hội viên, trong đó có 3 hợp tác xã, 10 cơ sở quy mô lớn, 17 cơ sở đăng kí thương hiệu riêng.
Sau gần 2 năm thực hiện nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của thành phố Đà Nẵng” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ Quốc gia đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và chính thức triển khai từ năm 2022; đến nay, chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm của thành phố Đà Nẵng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo Quyết định số 437/QĐ-SHTT ngày 3-6-2024 của Cục Sở hữu trí tuệ, đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của thành phố Đà Nẵng và là 1 trong 3 chỉ dẫn địa lý về sản phẩm nước mắm trên cả nước (gồm nước mắm Phú Quốc, nước nắm Phan Thiết và nước mắm Nam Ô).
Theo ông Hoàng Thanh Hòa - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước của Đà Nẵng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo Quyết định ngày 3.6.2024.
Chỉ dẫn địa lý "Nam Ô" cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ thể hiện sự công nhận về uy tín, danh tiếng, chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, giúp nâng tầm giá trị thương hiệu của cộng đồng.
“Nước mắm Nam Ô sẽ dễ dàng nổi bật, có giá trị hơn so với các sản phẩm tương tự trên thị trường và tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường để phát triển bền vững. Đây cũng là động lực cho bà con làng nghề thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô thương mại”, ông Hòa phát biểu.
Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) lưu ý cần phải hoàn thiện quy trình quản lý, kiểm soát chỉ dẫn địa lý để bảo tồn chất lượng và danh tiếng của sản phẩm. Đây là khâu quan trọng, quyết định sự thành công của một chỉ dẫn địa lý và cần sự nỗ lực toàn bộ hệ thống, từ các nhà sản xuất đến các nhà quản lý. Đồng thời mong muốn UBND quận Liên Chiểu sẽ xây dựng được những giải pháp đồng bộ, hiệu quả về tổ chức sản xuất, tổ chức kiểm soát chất lượng để phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương nói chung và chỉ dẫn địa lý nước mắm Nam Ô nói riêng.
Thành phố hi vọng rằng chỉ dẫn địa lý "Nam Ô" sẽ phát huy được giá trị sau khi được Nhà nước bảo hộ, góp phần hỗ trợ người dân làng nghề nước mắm Nam Ô phát triển sản xuất truyền thống ra thị trường một cách hiệu quả và bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết.
Song song với chương trình đón nhận văn bằng, Quận Liên Chiểu kết hợp cùng Trung Tâm Tiết kiệm và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng cùng Hội Làng nghề nước mắm Nam ô đã tổ chức các gian hàng nhằm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nước mắm Nam Ô được rộng rãi hơn. Dưới đây là một số hình ảnh trưng bày, quảng bá sản phẩm nước mắm Nam Ô