Thực trạng phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô
Nam Ô là ngôi làng đánh cá nhỏ bên vịnh Đà Nẵng, ở cửa sông Cu Đê, nay thuộc địa bàn phường Hòa Hiệp Nam và phường Hòa Hiệp Bắc là hai phường của quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng
Số liệu điều tra cho thấy quy mô sản xuất của làng nghề là quy mô hộ gia đình. Cơ sở sản xuất được mở ngay tại nhà và ít có sự chia tách giữa không gian sản xuất và không gian sinh hoạt hằng ngày. Mặt bằng sản xuất nhỏ lẻ diện tích từ 40-50 m2 chiếm đa số; nhiều hộ diện tích sản xuất từ 16 – 20 m2, một số ít hộ diện tích sản xuất trên 100-150 m2.
Các cơ sở sản xuất ngay tại gia đình tận dụng được nguồn lực tại chỗ bao gồm đất đai, lao động, nguồn vốn trong dân.
Tuy nhiên do tốc độ đô thị hóa, dân cư phát triển, những yếu tố này đã làm hạn chế khả năng đầu tư mở rộng sản xuất của các đối tượng này. Năm 2005 trong làng nghề có nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất nước mắm với: 101 hộ sản xuất đơn lẻ, 15 cơ sở sản xuất, 01 HTX. Số lượng hộ sản xuất mắm chiếm tỷ lệ chưa cao, sản lượng sản xuất lại chưa nhiều, mang tính thời vụ và hiện nay giá thành của các sản phẩm lại tương đối cao. Hiện nay, trong quá trình đô thị hóa diễn ra tại địa phương nên 60 hộ đã di dời khỏi làng nghề. Do đó, hiện nay chỉ còn khoảng 54 hộ, trong đó có 10 cơ sở chế biến nước mắm và 17 cơ sở đăng ký nhãn hiệu riêng, với 220 lao động. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ nước mắm và các mặt hàng từ hải sản ngày càng tăng năm 2016 làng nghề sản xuất và tiêu thụ khoảng 60.000 lít nước mắm, số lượng này tăng lên năm 2022 là 150.000 lít. Do đó, doanh thu từ nghề sản xuất nước mắm tại làng nghề cũng ngày càng tăng, đến năm 2022 đạt mức doanh thu đến 10 tỷ đồng. Với quá trình tăng trưởng về sản lượng và doanh thu, thu nhập của lao động trong làng nghề đạt trung bình khoảng 3-4 triệu đồng/người/tháng.