logo

Bước đầu đánh giá một số thuận lợi và khó khăn đối với làng nghề sản xuất nước mắm Nam Ô

( 18/06/2024) Bước đầu đánh giá một số thuận lợi và khó khăn đối với làng nghề sản xuất nước mắm Nam Ô

Bước đầu đánh giá một số thuận lợi và khó khăn đối với làng nghề sản xuất nước mắm Nam Ô

Nam Ô - làng chài nằm nghiêng mình bên bờ biển phía Nam đèo Hải Vân được xem là một trong những làng chài cổ nhất xứ Đàng Trong, mảnh đất nhỏ bé nơi đây không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc, các di tích văn hóa đan xen với nhiều câu chuyện kể, giai thoại.

Nơi đây nổi tiếng với nghề làm nước mắm truyền thống bao đời nay. Nước mắm Nam Ô vốn vang danh gần xa bởi vị mặn mòi của vùng biển miền Trung, với bí quyết làm nước mắm 3 cá 1 muối riêng biệt. Một trong những nét đặc trưng của mắm Nam Ô là cách làm mắm hoàn toàn thủ công truyền thống, nước mắm làm ra được ủ ròng trong một năm để tinh chế ra loại mắm nhỉ ngon nhất có hương thơm, mùi vị đặc trưng, ngọt tự nhiên, màu đỏ thâm như màu cánh gián. Trong quá khứ, nước mắm Nam Ô đã từng là sản vật tiến Vua.

Ngày nay, nghề làm nước mắm Nam Ô đang có những bước chuyển mình để phù hợp với bối cảnh của xã hội. Giá trị của nghề làm nước mắm mang lại không chỉ dừng lại ở khía cạnh đơn thuần của việc sản xuất các sản phẩm nước mắm truyền thống bằng phương pháp thủ công mà còn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, cụ thể ở đây là du lịch cộng đồng.

1. Thuận lợi, ưu thế

  •  Làng nghề có vị trí địa lý thuận lợi, gắn với các di chỉ văn hóa có lịch sử hình thành lâu đời, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch làng nghề.
  • Sản phẩm nước mắm Nam Ô đã được công nhận về sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu tập thể, di sản văn hóa phi vật thể và sản phẩm nước mắm Hương làng cổ đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
  • Được sự quan tâm của UBND thành phố, quận Liên Chiểu.
  •  Được sự đồng thuận của người dân trong việc bảo tồn, phát triển nghề làm mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
  • Đà Nẵng có cảng cá Thọ Quang với lượng sản phẩm hằng năm qua cảng lớn nên thuận lợi cho việc cung cấp nguyên liệu làm mắm truyền thống Nam Ô.

 

2. Khó khăn, thách thức

  • Với đặc thù của nhãn hiệu tập thể, các hộ chế biến nước mắm phải có sự thống nhất cao trong việc tuân thủ kỹ thuật, quy trình, sản phẩm đồng nhất để lưu giữ hồn cốt của làng nghề. Một cá nhân không tuân thủ sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của nghề nước mắm Nam Ô.
  • Việc phát triển nước mắm phi truyền thống, sản xuất mắm công nghiệp trên thị trường là thách thức lớn đối với nghề nước mắm truyền thống khi cạnh tranh về giá sản phẩm.

-Tàu cá tại Liên Chiểu có số lượng ít, có 37/1.239 chiếc (chiếm 2,9% tổng tàu cá của thành phố). Việc kết nối giữa tàu cung ứng nguyên liệu với các cơ sở chế biến nước mắm chủ yếu thông qua các nậu, vựa tại cảng cá.

  • Khó quản lý chuỗi từ khi đánh bắt đến khi chế biến sản phẩm. Khó xây dựng được một mô hình hoạt động chuỗi từ khi đánh bắt đến khi cho ra sản phẩm nước mắm để thu hút khách du lịch cộng đồng.
  • Khó khăn về diện tích mặt bằng sản xuất. Quỹ đất phát triển làng nghề hiện không còn nên không thể mở rộng làng nghề.
  • Việc phát triển du lịch tại các làng nghề nước mắm Nam Ô mới dừng ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch, bố trí cơ sở hạ tầng cũng như khu vực riêng để trình diễn quy trình làm mắm, trưng bày và giới thiệu sản phẩm cho các tour du lịch. Việc tổ chức tham quan ngay trong các cơ sở làm mắm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm.