logo

Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm, đánh giá mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm nước mắm Nam Ô của Thành phố Đà Nẵng

( 18/06/2024) Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm, đánh giá mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm nước mắm Nam Ô của Thành phố Đà Nẵng

Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm, đánh giá mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm nước mắm Nam Ô của Thành phố Đà Nẵng

Từ ngày 20 tháng 4 đến ngày 4 tháng 5 năm 2022 tại Đà Nẵng, Trung tâm tiết kiệm năng lượng và chuyển giao công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng kết hợp cùng đơn vị tư vấn là các chuyên gia Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã tiến hành Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm, đánh giá mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm nước mắm Nam Ô của Thành phố Đà Nẵng

 

Về cảnh quan thiên nhiên, Nam Ô có vị trí nằm ở ven biển thuộc khu vực phía Tây Bắc vịnh Đà Nẵng, nằm gần chân đèo Hải Vân với nhánh sông Cu Đê đổ ra biển. Khu vực được thiên nhiên ưu đãi bao bọc bởi núi, sông, biển, cây cối xanh tươi, khí hậu mát mẻ, nước biển xanh trong cùng sóng nhẹ nhàng và đặc biệt là khu vực ghềnh đá và bãi rêu với nhiều cảnh quan đẹp khác.

Với ngành nghề đi biển đánh bắt, người dân Nam Ô đã dần quen với con sóng, ngọn gió, bám biển mưu sinh, biển đem lại cho con người nhiều nguồn lợi, song nó cũng đi kèm với nhiều rủi ro, bất trắc không ai có thể lường trước được. Với ngư dân, mỗi lần ra khơi như đặt cược tính mạng của mình. Chính vì phải luôn đối mặt thường trực với hiểm nguy nên những ngư dân luôn có một niềm tin “tâm linh” để bám víu, nương tựa trong lúc lênh đênh ngoài biển khơi vì lẽ đó, văn hóa và những tín ngưỡng của người dân nơi đây mang đậm nét hơi thở của biển cả, thể hiện thông qua các lễ hội và di tích như Lăng Ông, dinh âm linh, lễ hội Cầu ngư. Ngoài ra Nam Ô còn có một bề dày về văn hóa thể hiện qua hệ thống các di tích phong phú và đan xen ở đây như miếu Bà Liễu Hạnh, mộ Tiền Hiền, giếng vuông, đình làng Xuân Dương, nghĩa trủng Nam Ô...đây đều là các tài nguyên du lịch quý báu để giúp thu hút du khách đến với khu vực.

Theo những bậc cao niên ở Nam Ô, nghề đánh bắt cá biển nơi đây có từ rất sớm, từ khi tiền nhân dừng chân trên đường Nam tiến, chọn đất lành cộng cư với người Chăm bản địa cùng ra khơi khai thác cá theo lối của người Chăm xưa. Từng đàn cá cơm than, cá nục nổi trên mặt nước trong vùng biển lộng, ngư dân chỉ việc trải mành là thu về hàng trăm tấn “đầy đất chật bãi”. Cá nhiều, người dân phơi khô, làm mắm để ăn dần và cung cấp cho các nơi có nhu cầu, hình thành nên làng nghề làm nước mắm, thương hiệu nước mắm Nam Ô nổi tiếng trong lịch sử.

 

 

Cá cơm than, cá nục là các loại cá nhỏ ngon thịt, được chọn làm nguyên liệu chính để làm nước mắm. Ngư dân đánh bắt cá lên thuyền, đứng cá trong các bộng bằng nan tre để tự nhiên cho rỉ sạch nhớt vốn có trong cá tươi, không muối cá tươi ngoài biển như nơi khác. Cá sau khi về bến đã được ráo trần sạch sẽ và người làm mắm bắt đầu muối cá. Theo kinh nghiệm truyền đời, định lượng 10 bát cá, 04 bát muối. Muối phải là muối tinh hạt lớn sau khi đã ủ trong nhà ít nhất là 6 tháng để loại bỏ tạp chất có hại. Theo định lượng ấy, cá và muối được trộn đều, thậm chí còn bóp từng nắm cá một, nhất thiết con cá nào cũng phải ăn muối. Từng hỗn hợp cá muối ấy, người làm mắm tiếp tục đổ vào kiệu, lu, thạp, hũ sành đã rửa sạch khô ráo, đáy được rải đều một lớp muối. Cá muối đầy, bề mặt tiếp tục rắc lên bề mặt một lớp muối, đoạn tiếp tục dùng vỉ tre chằn lên trên là xong.

Sau nhiều biến cố cùng thời gian, hiện nay còn khoảng 58 hộ tham gia sản xuất sản phẩm nước mắm truyền thống Nam Ô, trong đó có 10 cơ sở chế biến nước mắm và 17 cơ sở đăng ký nhãn hiệu riêng, với khoảng 220 lao động. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ nước mắm và các mặt hàng từ hải sản ngày càng tăng năm 2016 làng nghề sản xuất và tiêu thụ khoảng 60.000 lít nước mắm, số lượng này tăng lên năm 2022 là 150.000 lít.  Cho đến nay, đã có 3 thương hiệu nước mắm Nam Ô tại làng Nam Ô được công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố gồm: nước mắm Bình Minh, nước mắm Hương Làng Cổ và nước nắm Nam Ô - Hiệp Hải