Một số nét cơ bản về làng nghề sản xuất nước mắm Nam Ô
Nam Ô là ngôi làng đánh cá nhỏ bên vịnh Đà Nẵng, ở cửa sông Cu Đê, không có đất sản xuất nông nghiệp nhưng lại có diện tích đất mặt nước ven biển rộng. Với điều kiện tự nhiện như vậy, nghề đánh bắt cá ven sông, ven biển được hình thành từ rất sớm và trở thành nghề chính của cư dân nơi đây. Cá cơm than là đặc sản của vùng biển này và khi được ủ với muối biển nổi tiếng của lấy từ Cà Ná – Ninh Thuân, Sa Huỳnh – Quảng Ngãi, đây là những vùng muối thực phẩm có tiếng và chất lượng được người Pháp lập lên. Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô thuộc địa bàn phường Hòa Hiệp Nam và phường Hòa Hiệp Bắc là hai phường của quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng
Làng nghề nước mắm Nam Ô từ lâu đã có tiếng trên thị trường cả nước, qua bao nhiêu năm tháng, qua bao thế hệ, uy tín của nước mắm Nam Ô vẫn còn lưu truyền trong dân gian. Tuy nhiên, có giai đoạn làng nghề nước mắm Nam Ô chững lại khi nghề làm pháo du nhập và phát triển mạnh tại làng Nam Ô. Để có nguồn thu nhập cao, nhiều gia đình tạm dừng nghề đi biển, gác lại nghề làm mắm và chuyển sang làm pháo, nhưng vẫn có những hộ gia đình gắn bó và gìn giữ nghề truyền thống này. Cho đến năm 1994, Chỉ thị 406/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, cùng với chính sách hỗ trợ đầu tư của Quận ủy, UBND quận các hộ dân quay về với nghề truyền thống của mình, làng nghề dần dần được phục hồi trở lại.
Năm 2006, trước nguy cơ mai một của làng nghề, chính quyền quận Liên Chiểu đã xây dựng và triển khai "Đề án khôi phục làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô". Cho đến năm 2012, quận lại tiếp tục xây dựng Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô nhằm khai thác tốt tiềm năng tự nhiên, đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua việc duy trì nét văn hóa truyền thống, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đồng thời không gây tổn hại đến môi trường.
Với những mục tiêu rõ ràng như trên, chính quyền quận và các ban ngành của thành phố đã thực hiện hỗ trợ, đầu tư nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển làng nghề. Chẳng hạn như:
- Thành lập Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô theo Quyết định số 2939/QĐ-UBND ngày 18/4/2007 về việc cho phép thành lập Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô quận Liên Chiểu (gọi tắt là Hội làng nghề) và đăng ký logo, nhãn mác tập thể tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam theo Quyết định số 26266/QĐ-SHTT ngày 16/12/2009 của Cục Sở trí tuệ. Bên cạnh đó, hỗ trợ tham gia các hội chợ trong và ngoài thành phố; các tủ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu làng nghề và chai, nhãn nước mắm; khuôn và vỏ chai; đăng ký mã vạch, mã số để thuận lợi trong việc ký kết hợp đồng đưa hàng vào siêu thị…
- Thực hiện đề án khôi phục làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, bước đầu đã thu được kết quả nhất định, thương hiệu nước mắm Nam Ô một thời nổi tiếng, qua nhiều thăng trầm nay đã có mặt trên thị trường với chất lượng thơm ngon được người tiêu dùng đón nhận và ưa thích, lớn nhất và vinh dự là thương hiệu nước mắm Nam Ô được cấp logo và nhãn hiệu tập thể. Đây là thành quả to lớn của các cấp, các ngành và nhân dân địa phương đã góp công sức để lưu giữ một nghề truyền thống, mang đậm bản sắc nghề mắm nổi tiếng hơn 100 năm.
- Năm 2016, UBND quận đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn quận Liên Chiểu giai đoạn 2015-2022”. Đến nay, một số công trình đã được trùng tu như 3 di tích cấp thành phố gồm lăng Ông Kim Liên, đình làng Thanh Vinh và miếu Hàm Trung từ nguồn ngân sách; ngoài ra, huy động các nguồn xã hội hóa trùng tu Miếu Bà …
Hiện nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch đã công nhận "Di sản Văn hóa phi vật thể Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng" là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Song bên cạnh đó, làng nghề đang đối mặt với những thách thức không nhỏ, ảnh hưởng đến việc duy trì, bảo tồn phát triển sản xuất và tiêu thụ nước mắm của làng nghề. Trong những năm gần đây do tác động của nền kinh tế thị trường, sản phẩm làng nghề truyền thống không cạnh tranh lại các sản phẩm thay thế có nguồn gốc nhập khẩu hoặc sản phẩm sản xuất theo công nghệ hiện đại, ngắn ngày. Diện tích sản xuất làng nghề khó mở rộng, nguyên liệu tại chỗ ngày càng giảm dần, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, mẫu mã bao bì, nhãn mác chưa hấp dẫn, chưa khai thác tiềm năng du lịch ở làng nghề.